ADHD: Những điều bạn cần biết

ADHD (Rối loạn tăng động/giảm chú ý) không chỉ liên quan đến việc khó tập trung mà còn là bệnh lý phức tạp gây ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và người lớn trên toàn thế giới. Dù bạn hay người quen được chẩn đoán mắc chứng ADHD thì việc hiểu rõ tình trạng này là bước đầu tiên để quản lý hiệu quả.

Hãy cùng tìm hiểu ADHD thực sự là gì, các triệu chứng phổ biến cũng như cách điều trị.

ADHD là gì?

ADHD là một rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng đến sự chú ý, kiểm soát xung động và hành vi. Bệnh nhân ADHD thường khó tập trung, có thể hành động bốc đồng mà không suy nghĩ cũng như có cảm giác bồn chồn hoặc tăng động. Có một quan niệm sai lầm thường gặp khi cho rằng ADHD chỉ ảnh hưởng đến trẻ em – nhiều người lớn cũng bị chứng bệnh này mà đôi khi không nhận ra.

Các triệu chứng thường gặp của ADHD

Các triệu chứng ADHD thường khác nhau tùy theo từng người, nhưng nhìn chung gồm hai nhóm chính: thiếu chú ý và tăng động-bốc đồng. Sau đây là các triệu chứng cụ thể:

1. Thiếu chú ý:

  • Khó tập trung vào công việc hoặc các hoạt động
  • Mắc các lỗi do bất cẩn hoặc bỏ sót các chi tiết
  • Khó sắp xếp công việc và quản lý thời gian
  • Thường xuyên bị mất các vật dụng như: chìa khóa, điện thoại hoặc tài liệu quan trọng
  • Dễ bị phân tâm bởi những kích thích từ bên ngoài hoặc suy nghĩ lan man.

2. Tăng động & bốc đồng:

  • Bồn chồn, hay gõ ngón tay hoặc đi lại liên tục
  • Khó ngồi yên, ngay cả trong những tình huống cần sự tĩnh lặng
  • Nói quá nhiều hoặc buột miệng trả lời
  • Chật vật khi chờ đến lượt mình
  • Làm gián đoạn người khác trong các cuộc trò chuyện hoặc hoạt động.

Điều quan trọng cần lưu ý là trong khi sự tăng động thường gặp hơn ở trẻ em thì người lớn mắc chứng ADHD có thể cảm thấy bồn chồn không yên hoặc khó thư giãn.

Nguyên nhân gây ra ADHD?

Không có nguyên nhân cụ thể nào gây ra ADHD, nhưng nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng. Các yếu tố môi trường như hút thuốc, uống rượu hoặc căng thẳng trước khi sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. ADHD không phải là do nuôi dạy con kém hay dành quá nhiều thời gian sử dụng màn hình điện tử, mặc dù những yếu tố này đôi khi có thể làm các triệu chứng trầm trọng hơn.

ADHD được chẩn đoán như thế nào?

ADHD không thể được chẩn đoán nhanh chóng bằng một xét nghiệm. Chuyên gia y tế – chẳng hạn như nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ nhi khoa – thường sẽ tiến hành đánh giá toàn diện, có thể bao gồm các cuộc phỏng vấn, phân tích hành vi và bảng câu hỏi. Mục đích là để loại trừ các bệnh lý khác và bảo đảm chẩn đoán chính xác.

Cách điều trị và chăm sóc ADHD

Mặc dù không có cách chữa trị ADHD nhưng nhiều người đã tìm ra những phương pháp hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng của mình. Dưới đây là một số phương pháp điều trị và chăm sóc phổ biến:

1. Thuốc:
Thuốc điều trị ADHD – chẳng hạn như các thuốc kích thích như Adderall hoặc thuốc không kích thích như Strattera – có thể cải thiện khả năng tập trung, kiểm soát xung động và mức năng lượng. Điều quan trọng là phải hỏi ý kiến của bác sĩ để tìm ra loại thuốc và liều lượng phù hợp.

2. Liệu pháp hành vi:
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp điều trị phổ biến cho ADHD. Liệu pháp này giúp người bệnh phát triển các phương pháp để quản lý hành vi bốc đồng, sắp xếp công việc và đối phó với những trở ngại về mặt cảm xúc.

3. Công cụ sắp xếp và quản lý thời gian:
Sử dụng các công cụ lập kế hoạch, lời nhắc và ứng dụng có thể giúp người bệnh ADHD theo dõi các công việc hàng ngày. Chia công việc thành các phần nhỏ hơn, dễ thực hiện là một cách tuyệt vời khác để duy trì sự tập trung.

4. Tập thể dục và áp dụng lối sống lành mạnh:
Vận động thường xuyên giúp cải thiện tâm trạng và sự tập trung, từ đó kiểm soát các triệu chứng ADHD. Ngoài ra, ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và thực hành chánh niệm như thiền định cũng có thể cải thiện khả năng tập trung và giảm bớt tình trạng bồn chồn.

Giúp đỡ người bị ADHD

Sống chung với ADHD có thể là một thử thách nhưng sự trợ giúp từ bạn bè, gia đình, giáo viên và các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể tạo nên khác biệt lớn. Trường học và nơi làm việc có thể cho thêm thời gian để hoàn thành công việc hoặc tạo một môi trường làm việc yên tĩnh hơn, để tạo điều kiện cho những người mắc ADHD phát triển.

Kết luận

ADHD là căn bệnh kéo dài suốt đời có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, nhưng với phương pháp điều trị và sự trợ giúp phù hợp, những người mắc ADHD có thể sống một cách trọn vẹn và thành công. Cho dù là điều trị bằng thuốc, các liệu pháp hay thay đổi lối sống, có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng ADHD và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nếu bạn hoặc người quen đang có các triệu chứng của ADHD, đừng ngần ngại liên lạc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được hướng dẫn. Chẩn đoán và can thiệp sớm có thể sẽ mang lại các kết quả tốt hơn cũng như quản lý hiệu quả hơn.

Dịch vụ của chúng tôi

Đặt Lịch Tư Vấn

Giờ làm việc


Thứ Hai – Thứ Sáu: 9 giờ sáng – 5 giờ 30 chiều
Thứ Bảy – Chủ Nhật: 9 giờ sáng – 5 giờ 30 chiều (Chỉ dành cho châm cứu)